Nguy cơ mất an toàn thực phẩm chủ yếu lây nhiễm ở vi sinh vật

1. Nhiễm khuẩn thực phẩm là gì?

Thực phẩm là nguồn cung dinh dưỡng chứa nhiều nước, dưỡng chất, vitamin và khoáng chất – đây là môi trường hoàn hảo để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Vì vậy, nhiễm khuẩn thực phẩm cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có lây nhiễm chéo và để lại tác động lý-hóa-sinh gây hư hỏng thực phẩm.

Trong thực phẩm, 3 loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến là vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn thương hàn), vi khuẩn Bacillus cereus và vi khuẩn Escherichia coli – thường bám trên rau sống, thịt gia cầm, thịt bò và các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nếu không được bảo quản và nấu chín ở nhiệt độ thích hợp thì vi khuẩn sẽ tự sinh sôi và gây bệnh nếu ăn vào – trên thực tế đã có hàng triệu ca bệnh do thực phẩm mỗi năm. 

2. Nhiễm khuẩn thực phẩm gây nguy hại như thế nào?

Khi con người ăn phải một lượng đáng kể những vi khuẩn này, không chỉ gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, mà còn bị ngộ độc bởi chính độc tố của chúng. Độc tố thường này liên quan mật thiết tới việc sản xuất các exoenzyme phá hủy mô. Từ đó, người bị nhiễm khuẩn và ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện các triệu chứng liên hoàn như: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Đáng chú ý, bộ Y tế đã cảnh báo vi khuẩn thương hàn Salmonella còn gây nên các biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường ruột, thủng ruột hoặc nhiễm trùng huyết,…đến mức dẫn đến nhập viện và thậm chí tử vong [1].

Đối với ngành công nghiệp thực phẩm, việc không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc thực hiện kiểm định sơ sài chất lượng trước khi đưa thị trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp và gián tiếp tạo áp lực lên hệ thống y tế dự phòng. Điển hình, đầu năm 2022, hãng kẹo khổng lồ Ferrero đã phải thu hồi socola hình quả trứng Kinder Surprise sau cuộc bùng phát vi khuẩn Salmonella tại thị trường Anh [2]. Gần đây, đã xảy ra vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh nhập viện, một trẻ tử vong, cho thấy vi khuẩn Salmonella, B.cereus và E.coli có trong mẫu cánh gà chiên và B.cereus còn có trong mẫu nước mắm ở một trường học (Nha Trang) [3]. Điều này đã làm rấy lên nỗi lo trong quy trình kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hộ kinh doanh, và sản xuất trong cộng đồng.